Sức khỏe nhi

Sunday, July 27, 2014

Viêm đường hô hấp cấp - Căn bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa

with 0 Comment

Thận trọng với bệnh hô hấp trong thời điểm giao mùa


Thời gian chuyển mùa ở nước ta vào khoảng giữa tháng 9, thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, độ ẩm trong không khí giảm thấp… Đây chính là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển. 

Viêm đường hô hấp trên là bệnh có nguy cơ bùng phát cao trong thời điểm này. Bệnh được chia thành 2 loại:

1. Viêm đường hô hấp trên cấp tính có triệu chứng đầu tiên là sốt (có thể sốt nhẹ, đôi khi sốt cao và rét run), kèm theo ho, hắt hơi và chảy nước mũi (nhất là trẻ em). Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau họng khi nuốt, khi ăn.

2. Viêm đường hô hấp trên mạn tính: khi bị viêm đường hô hấp trên cấp tính mà không điều trị hoặc điều trị không dứt điểm, bệnh bệnh dễ chuyển thành mãn tính. Triệu chứng là ho, rát họng, nuốt thấy hơi vướng trong họng, nghẹt mũi do hiện tượng phì đại cuống mũi. Đặc biệt ở trẻ em, nước mũi chảy thường xuyên một hoặc cả hai bên mũi. Một số trẻ em bị VA mãn tính kéo dài mà căn nguyên do trực khuẩn thì chất nhầy chảy ra ở mũi thường có màu xanh... Trường hợp viêm xoang còn thường kèm theo triệu chứng đau đầu.


Cần nhận biết sớm nguyên nhân, triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ

Nguyên nhân viêm đường hô hấp cấp tính

  • Bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính có nguyên nhân phát sinh từ các virus gây bệnh từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào cơ thể của trẻ qua đường hô hấp. Các loại virus có thể gây bệnh nhiêm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em bao gồm: virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus á cúm, virus sởi, …
  • Do trẻ em có sức đề kháng yếu, đường thở ngắn nên khả năng chống lại các virus rất hạn chế nên dễ bị mắc bệnh;
  • Do bố mẹ không bảo vệ cơ thể của trẻ cẩn thận trước những thay đổi của thời tiết, việc cho trẻ đi chơi dưới trời nắng gắt hay bị ướt mưa cũng dễ khiến trẻ dễ dàng bị mắc bệnh.
  • Trẻ sinh ra nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
  • Trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ đặc biệt trong 6 tháng đầu tiên.
  • Môi trường ở của trẻ chật chội, thiếu vệ sinh, có nhiều khói bụi, khói thuốc lá.

Triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính ở trẻ em rất đa dạng và có nhiều mức độ khác nhau, cụ thể sẽ diễn tiến như sau:
  • Ho.
  • Sốt.
  • Chảy mủi.
  • Thở nhanh, cánh mũi phập phồng.
  • Lồng ngực bị rút lõm khi thở vào.
  • Cơ thể tím tái.
  • Nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến hôn mê, co giật, li bì, bỏ bú.
  • Diễn biến của bệnh từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng rất nhanh nên cần có phương pháp xử lý phù hợp sao cho thật hiệu quả.
Trên đây là các nguyên nhân, triệu chứng bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ em mà các bậc cha mẹ nên biết để có cách phát hiện bệnh sớm nhất và có cách điều trị bệnh kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Đọc thêm: 

Saturday, July 26, 2014

Bệnh chân tay miệng - Nguyên nhân, triệu chứng và những điều cần biết

with 0 Comment


Bệnh tay chân miệng là một nhiễm trùng do vi rút xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa nhiều đến sức khỏe của trẻ, tuy nhiên bệnh cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm


Triệu chứng


Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện trong vòng 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với nhiễm trùng. Thời gian này được gọi là giai đoạn ủ bệnh.
Những triệu chứng sớm của bệnh tay chân miệng gồm:
- Sốt cao - thường khoảng 38-39°C
- Chán ăn
- Ho
- Đau bụng
- Đau họng

Đôi khi, bệnh tay chân miệng có thể gây nôn, nhất là nếu do chủng enterovirus 71 gây ra.
Những triệu chứng sớm này có thể kéo dài 12-48 giờ.

Loét miệng: Sau 1 hoặc 2 ngày, các nốt đỏ bắt đầu xuất hiện trong miệng, nhất là quanh lưỡi, lợi và mặt trong má.

Đầu tiên, những nốt này có kích thước bằng chiếc cúc áo nhỏ. Sau đó chúng nhanh chóng phát triển thành những vết loét lớn có màu vàng-xám, bao quanh là một vòng tròn đỏ. Thường sẽ có từ 5-10 vết trong miệng.

Những vết này có thể rất đau khiến trẻ khó ăn, uống và nuốt, khiến trẻ rất khó chịu và quấy khóc.
Những vết loét miệng này sẽ hết trong vòng 5-7 ngày.

Nổi ban trên da: Rất nhanh sau khi các nốt loét trong miệng xuất hiện, sẽ thấy nổi những nốt nhỏ màu đỏ trên da của trẻ.

Những vị trí hay gặp những nốt này nhất là ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thỉnh thoảng gặp ở mông và háng.

Những nốt này có kích thước khoảng 2-5mm, ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục.
Những nốt này thường không đau và không ngứa, mặc dù chúng có thể trở thành những mụn nước nhỏ, đôi khi gây đau và tức. Điều quan trọng là không được làm vỡ những nốt này, vì có thể khiến bệnh lây lan.

Các nốt ban trên da và mụn nước có thể kéo dài tới 10 ngày.

Nguyên nhân

Bệnh tay chân miệng gây ra bởi một số týp enterovirus khác nhau, nhưng tất cả đều thuộc nhóm enterovirus A. Những týp hay gặp nhất là coxsackievirus A16, A6, A10 và enterovirus 71.

Đầu tiên vi rút lan đến mô trong miệng, gần amiđan, và xuống hệ tiêu hóa.

Sau đó vi rút có thể lan tới các hạch bạch huyết lân cận và qua máu đi khắp cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ chống trả lại vi rút để ngăn nó lan tới những cơ quan trọng yếu, như não.

Bệnh lây như thế nào?


Các vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây theo 2 cách:
- Qua những giọt dịch tiết từ đường hô hấp – gần giống đường lây của cảm cúm
- Qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải (phân)

Thông thường bệnh lây lan do tay bị dính vi rút từ những đồ vật nhiễm bẩn, sau đó đưa tay lên gần miệng hoặc mũi. Bệnh cũng có thể lây do hít phải vi rút qua những giọt lơ lửng trong không khí.

Vi rút sẽ không lây lan theo cách này một khi người bệnh đã hết triệu chứng.

Tuy nhiên, vi rút cũng có thể có mặt với số lượng lớn ở trong phân của người nhiễm, và có thể tồn tại ở đó trong tới 4 tuần sau khi các triệu chứng đã hết.

Bệnh tay chân miệng nếu tiếp xúc với dịch từ các nốt mụn nước hoặc nước bọt của người bệnh.

3. Phân biệt bệnh tay chân miệng với các bệnh khác

Nhiều vi rút có thể gây các nốt đỏ và loét trong miệng – chứ không chỉ riêng những vi rút gây bệnh tay chân miệng.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể phân biệt bệnh tay chân miệng với các nhiễm vi rút khác bằng:
- Tuổi của người bệnh – bệnh tay chân miệng hay gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi
- Mô hình triệu chứng – các triệu chứng bắt đầu bằng sốt cao và đau họng; sau đó các vết loét phát triển trong miệng của trẻ, tiếp theo là các nốt phát ban ở bàn tay và bàn chân
- Biểu hiện của các nốt – những nốt này nhỏ hơn nốt thủy đậu và thường có màu sắc, kích thước và hình dạng khác biệt

Có thể khẳng định (hoặc loại trừ) bệnh tay chân miệng bằng cách dùng tăm bông quệt vùng da, họng hoặc trực tràng của người bệnh và mang xét nghiệm. Đối với trẻ em có thể dùng mẫu phân.

Biến chứng


Bệnh tay chân miệng thường nhẹ và tự khỏi mà không cần điều trị. Biến chứng thường hiếm gặp, nhưng có thể gồm:

Mất nước: Những nốt loét trong họng và miệng có thể gây khó uống và khó nuốt, dẫn đến mất nước. Điều quan trọng là trẻ phải được uống đủ nước. Khuyến khích trẻ uống nước và sữa thay vì những loại đồ uống có tính a xít như nước trái cây. 

Có thể sẽ dễ hơn nếu khuyến khích trẻ uống từng ít một nhiều lần thay vì cố uống thật nhiều một lúc.

Hãy liên hệ với bác sĩ nếu trẻ không thể hoặc không muốn uống bất kỳ loại đồ uống nào, hoặc nếu trẻ có những dấu hiệu mất nước, bao gồm::
- Da khô, nhăn, khi véo da chỗ véo lâu hết.
- Không thể đi tiểu, hoặc không có nước tiểu trong 8 giờ
- Quấy khóc
- Mắt trũng
- Trẻ có vẻ mệt mỏi và lờ đờ bất thường
- Thóp trũng (ở trẻ nhỏ)

Những trường hợp mất nước nhẹ có thể điều trị bằng dung dịch bù nước đường uống, có bán sẵn tại phần lớn các hiệu thuốc. Những trường hợp nặng hơn có thể cần điều trị trong bệnh viện.

Bội nhiễm: Cũng có nguy cơ các nốt trên da bị nhiễm trùng, nhất là nếu những nốt này bị trầy xước.

Các triệu chứng của nhiễm trùng da gồm:
- Đau, đỏ, sưng và cảm giác nóng ở chỗ nhiễm trùng
- Da rỉ nước hoặc có mủ

Hãy cho trẻ đi khám nếu nghi ngờ bị bội nhiễm ở da, vì trẻ có thể cần điều trị bằng kháng sinh bôi hoặc uống.

Viêm màng não do vi rút

Trong một số hiếm trường hợp, bệnh tay chân miệng có thể dẫn đến viêm màng não do vi rút. Viêm màng não vi rút ít nặng nề hơn viêm màng não vi khuẩn và không gây đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe.

Phần lớn các trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn trong vòng 2 tuần.

Các triệu chứng bao gồm:
- Sốt cao 38°C hoặc hơn
- Li bì
- Đau đầu
- Cứng gáy
- Sợ ánh sáng

Không có cách điều trị đặc hiệu cho viêm màng não vi rút ngoài việc dùng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng.

Viêm não

Biến chứng nặng nhất nhưng hiếm gặp nhất của bệnh tay chân miệng là viêm não, có thể gây tổn thương não và đe dọa tính mạng.

Những dấu hiệu sớm của viêm não là những triệu chứng giống như cúm, có thể diễn ra trong vài giờ hoặc vài ngày. Các triệu chứng khác gồm:
- Mệt mỏi
- Thờ ơ, li bì hoặc lú lẫn
- Co giật chân tay
- Yếu hoặc liệt các chi
- Sợ ánh sáng
- Các triệu chứng thần kinh đặc hiệu khác

Trẻ vị viêm não cần được nhập viện để điều trị.

Phần lớn các trường hợp viêm não có liên quan đến bệnh tay chân miệng xảy ra trong những vụ dịch lớn do enterovirus 71.

Điều trị

Không có thuốc đặc trị cho bệnh tay chân miệng. Bệnh thường tự khỏi sau 7-10 ngày.

Bệnh do vi rút gây ra, nghĩa là không thể điều trị bằng kháng sinh. Các thuốc chống vi rút cũng không hiệu quả trong điều trị bệnh tay chân miệng.

Có thể giảm nhẹ triệu chứng ở trẻ bằng cách:
- Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước (tốt nhất là nước thường hoặc sữa; tránh những đồ uống có tính a xít như cô ca hay nước cam)
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm như khoai tây nghiền và súp, vì việc ăn và nuốt sẽ khá khó khăn
- Dùng thuốc điều trị triệu chứng

Thuốc


Các thuốc không cần đơn như paracetamol và ibuprofen, có thể giúp giảm đau họng và hạ sốt. Với phụ nữ có thai, paracetamol được ưa chuộng hơn ibuprofen. Không dùng aspirin cho trẻ dưới 16 tuổi.

Có nhiều loại gel, thuốc xịt và nước súc miệng để điều trị loét miệng, mặc dù chưa rõ hiệu quả thực sự của chúng. Những thuốc này bao gồm:

- Gel lidocaine – có thể dùng cho trẻ mọi lứa tuổi
- Xịt miệng benzydamine – dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên
- Súc miệng benzydamine – dùng cho trẻ từ 12 tuổi trở lên
- Gel choline salicylate – chỉ phù hợp cho người lớn từ 16 tuổi trở lên và không nên dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú

Cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng vì có thể chỉ dùng thuốc một vài lần trong ngày.
Một cách khác là súc miệng bằng nước muối ấm – pha nửa thìa cà phê muối (2,5g) với 1/4 lít nước. Điều quan trọng là không được nuốt, vì thế cách này không được khuyên dùng cho trẻ nhỏ.

Nếu trẻ có mụn nước, tránh làm vỡ mụn vì dịch bên trong làm bệnh lây lan. Các nốt mụn nước sẽ khô và hết trong vòng 7 ngày.

Khi nào cần đi khám?

Phần lớn các trường hợp bệnh tay chân miệng không cần vào viện vì triệu chứng sẽ hết trong vòng 7 ngày mà không cần điều trị.

Tuy nhiên, nếu không chắc trẻ có đúng là bị bệnh tay chân miệng hay không, có thể đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Cũng nên liên hệ với bác sĩ nếu:
- Trẻ không thể hoặc không chịu uống bất kỳ đồ uống gì
- Trẻ có các dấu hiệu mất nước, bao gồm không đi tiểu nhiều như bình thường
- Các triệu chứng của trẻ không cải thiện hoặc nặng lên sau 7 ngày
- Trẻ có những triệu chứng phụ, như thay đổi tình trạng tâm thần, co giật, thay đổi tính cách và hành vi

Phòng ngừa bệnh lây lan


Bệnh tay chân miệng rất dễ lây. Cách tốt nhất để tránh mắc bệnh và lây lan bệnh là tránh tiếp xúc gần với người bệnh và:
- Luôn rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi thay tã cho trẻ, và trước khi chuẩn bị thức ăn
- Khuyến khích trẻ bị bệnh rửa tay thường xuyên
- Tránh dùng chung vật dụng với người nhiễm bệnh.
- Đảm bảo các bề mặt làm việc luôn sạch sẽ
- Giặt chăn ga gối hoặc quần áo có thể dính nước bọt, dịch từ mụn nước hoặc phân bằng nước nóng

Với nơi làm việc, trường học và nhà trẻ

Nếu trẻ bị bệnh tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học trong khi trẻ thấy mệt.

Trẻ có thể đi học trở lại ngay khi thấy khỏe hơn. Không cần bắt trẻ nghỉ học cho đến khi nốt mụn nước cuối cùng liền hằn, vì rồi tất cả nốt mụn nước sẽ liền.

Tuy nhiên, đây chỉ là lời khuyên. Từng trường và cơ sở nuôi dạy trẻ có thể từ chối không nhận trẻ cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn.
Những lời khuyên này cũng áp dụng cho người lớn bị bệnh tay chân miệng muốn biết khi nào có thể đi làm trở lại.

Cẩm Tú
Theo NHS

Thursday, July 24, 2014

Nguyên nhân gây bệnh và những chú ý khi trẻ bị viêm phế quản

with 0 Comment


Nguyên nhân gây bệnh


BS.CK2.Nguyễn Thị Thanh - TK.Dịch vụ, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, viêm phế quản là viêm nhiễm đường thở dưới , dân gian còn gọi là sưng cuống phổi, bệnh chưa tấn công vào nhu mô phổi , tuy nhiên khi viêm cuống phổi thì sẽ gây triệu chứng kích thích ho nhiều và nếu không được điều trị tích cực thì có thể lan xuống nhu mô phổi dẫn đến viêm phổi. 
 
Thông thường, bệnh viêm phế quản rất hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ đang mắc một bệnh nhiễm khuẩn khác như cúm, sởi, ho gà... rất dễ bị viêm phế quản. Những trẻ đẻ non, còi xương, suy dinh dưỡng cũng dễ mắc và thường diễn tiến nặng đến viêm phổi . Đây là một bệnh có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao ở trẻ em, đứng hàng thứ hai sau bệnh tiêu chảy. Tác nhân gây bệnh ban đầu thường là virus, sau đó có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn hay gặp nhất là phế cầu khuẩn, H. influenzae rồi đến tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn... Những vi khuẩn này thường xuyên có ở mũi – họng, khi sức đề kháng của cơ thể bị giảm sút thì chúng hoạt động mạnh lên, tăng độc tính và gây bệnh. Thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh, môi trường ô nhiễm là những nhân tố thuận lợi cho bệnh phát sinh.
 
Virus là nguyên nhân  chính gây nên bệnh giai đoạn đầu,  thường thấy ở trẻ sau khi bị viêm hô hấp trên, cảm lạnh, ho sổ mũi , cúm hay viêm xoang. Sau đó nếu không được điều trị và sức đề kháng yếu thì virus có thể lây lan tới hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tiết dịch nhầy trong phổi , gây kích thích trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tiết dịch.

Nếu trẻ có những biểu hiện trên cùng với sốt kéo dài trong vài ngày hay ho kéo dài trong vòng từ 2 - 3 tuần, có thể trẻ đã bị viêm phế quản. Tiếp sau đó, trẻ bắt đầu ho nhiều hơn, có cảm giác đau rát cổ họng và xuất hiện đờm đục hoặc có màu vàng hay xanh. Ngoài sốt ra trẻ có thể có  cảm giác đau ngực,  mệt mỏi,chán ăn hoặc nôn ói.
 
Viêm Phế quản còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay  khói thuốc lá và bụi bẩn. Đa số các thanh thiếu niên nghiện thuốc lá hay trẻ em phải sống trong môi trường có khói thuốc lá, rất có nguy cơ bị viêm phế quản mãn tính.  

Biện pháp phòng ngừa

 
Theo BS. Nguyễn Thị Thanh , để điều trị căn bệnh này là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản nghĩa là giúp trẻ tống đàm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn. Không nhất thiết là phải dùng kháng sin , chỉ dùng khi có bằng chứng rõ là nhiễm khuẫn, và điều này sẽ được bác sĩ đáng giá và cho y lệnh.
 
Theo đó,  phụ huynh không nên tự ý cho uống thuốc chống ho khi thấy con mình ho quá nhiều. Nếu ho giúp bé tống hết đờm ra ngoài, thì hoàn toàn lại là việc rất hữu ích, nó sẽ giúp bé mau chóng bình phục hơn. 
 
Lưu ý rằng viêm phế quản là do một loại virut gây nên, điều này đồng nghĩa với việc thuốc kháng sinh sẽ không đem lại ích lợi gì cho việc điều trị.

Chế độ dinh dưỡng, thực đơn cho trẻ bị viêm phế quản
 
Bạn hãy cho bé uống nhiều nước ấm mỗi ngày, để giúp bé không bị tắc nghẽn sung huyết. Không khí trong nhà phải sạch sẽ , không  bụi bẩn và không khói thuốc sẽ tránh  cho bé cảm giác khó chịu, đề phòng viêm nhiễm đường hô hấp. Khi bé sốt nhẹ chỉ cần uống nhiều nước, mặc đồ thoáng mát , rút mồ hôi, không nên ủ kín bé hoặc mặc đồ có nhiều chất liệu tổng hợp, nếu bé sốt cao trên 38độ thì có thể cho bé uống acetaminophen hay ibuprofen để giúp bé hạ sốt và giảm đau. Ngay khi trẻ bị cảm lạnh hay bắt đầu ho sổ mũi, thì cũng nên điều trị dứt điểm ngay, để tránh các biến chứng về sau Trong trường hợp bé có biểu hiện thở mệt, hay thở nhanh , da tái hoặc không ăn uống, nôn tất cả thì  bạn nên đưa bé tới bệnh viện ngay trước khi quá muộn vì khi đó bé đang gặp nguy hiểm.
 
Ở trẻ sơ sinh nhất là trẻ đẻ non và trẻ dưới 2 tháng tuổi, bệnh thường rất nặng, trong khi triệu chứng lâm sàng lại rất sơ sài, có thể không thấy các biểu hiện bệnh ở phổi. Do vậy, khi thấy trẻ bú kém hoặc bỏ bú, sụt cân, rối loạn tiêu hóa (nôn trớ hoặc tiêu chảy), khó thở, có những cơn ngừng thở, tím tái, sùi bọt mép, cần cho trẻ đi bệnh viện ngay. Thông thường, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị tích cực thì sau vài ngày trẻ sẽ hết sốt, đỡ khó thở, hết tím tái... rồi khỏi. 

Khi trẻ bệnh không nên ép trẻ ăn, chỉ cần cho uống nước nhiều, cho ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, như nước súp, nước cháo, nếu trẻ đòi ăn nữa có nghĩa là cháu bắt đầu hồi phục bệnh.Sau khi khỏi bệnh, trẻ vẫn cần được theo dõi sát  và chăm sóc chu đáo (giữ ấm cơ thể, tránh bị lạnh, ưu tiên bồi dưỡng cho trẻ) để tránh tái phát bệnh.

Lưu ý: Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay). Về mùa lạnh , các cô nuôi dạy trẻ cần chú ý bố trí giờ chơi, giờ tập luyện ngoài trời cho các cháu phù hợp với thời tiết trong ngày.Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA... cần điều trị kịp thời và có chế độ dinh dưỡng thích hợp cho trẻ.
Powered by Blogger.